Triển khai Kế hoạch số 1039/KH-UBND ngày 29/12/2023 về triển khai năm an toàn giao thông 2024 và Công văn số 5171/UBND-NC ngày 21/6/2024 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường đảm bảo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa mùa mưa bão. Sáng ngày 22/8, tại xã Thanh Yên (huyện Thanh Chương), Ban An toàn giao thông tỉnh và Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V tổ chức Chương trình tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2024.

Nghệ An là tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, đường sắt Bắc Nam, mạng lưới đường bộ và đường thủy dễ dàng kết nối trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ hoạt động kinh tế, đầu tư và du lịch ở quy mô quốc gia và khu vực. Trong đó, đường thuỷ nội địa trên địa bàn có 15 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 1.146 km, đã đưa vào quản lý 262,6 km được phân bổ đều trên các vùng miền. Trên địa bàn huyện Thanh Chương có hệ thống giao thông đường thủy nội địa phát triển với dòng sông Lam chảy dọc huyện và nhiều phụ lưu như sông Giăng, sông Trai, sông Rộ, sông Nậy, sông Triều và sông Đa Cương. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt khắp huyện, hiện Thanh Chương cũng là địa phương có nhiều bến đò hoạt động với mật độ người tham gia giao thông cao như: Bến đò Phuống, bến đò Nguộc, bến đồ Cung, bến đò Già… Bên cạnh đó còn có sự phát triển của du lịch sông nước tại nhiều khu vực như: Đảo Chè – đập cầu Cau… Với sự phát triển của hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn huyện là tiềm năng cũng là thách thức đối với công tác quản lý Nhà nước về đường thủy nội địa.

Phát biểu tại chương trình, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Phan Huy Chương đề nghị UBND huyện Thanh Chương tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, nhất là quản lý, khai thác bến khách ngang sông; thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng; bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa tại địa phương. Tổ chức quản lý đối với sông, kênh, hồ, đầm, phà trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng, công bố mở luồng mà có hoạt động vận tải nhằm bảo đảm TTATGT.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa; tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình, thôn xóm trên địa bàn, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông đường thủy nội địa như: Học sinh các trường ven sông, thuyền viên, người lái phương tiện, người làm ăn, sinh sống tại các địa phương có sông, bến tàu, các điểm tham quan du lịch. Có trách nhiệm bảo đảm TTATGT đối với bến và phương tiện chở khách ngang sông, các phương tiện nhỏ của gia đình hoạt động trên địa bàn; triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn, thương tích mùa mưa bão.
Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra GTVT, đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực V tại Nghệ An thường xuyên kiểm tra hoạt động vận tải khách nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cảng, bến, phương tiện và người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, người đi đò không sử dụng thiết bị cứu sinh. Rà soát, tổng hợp, báo cáo nhu cầu học cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy nội địa tại các địa phương để có phương án đào tạo và phân loại các phương tiện giao thông thủy nội địa trên địa bàn quản lý; phối hợp với Chi cục đăng kiểm số 3 tổ chức đăng kiểm và gia hạn kiểm định theo quy định.

Nhân dịp này, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực V trao tặng 100 phao cứu sinh, dụng cụ nỗi trên thuyền cho chủ phương tiện tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Phòng Tổ chức, hành chính – Tài chính.